Suy Nghiệm Lời Chúa
Sau Bài Phúc Âm cho Chúa I Mùa Chay về biến cố Chúa Giêsu vào hoang địa chay tịnh cùng chịu cám dỗ, ám chỉ mầu nhiệm khổ giá của Người, và Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật II Mùa Chay về biến cố Chúa Kitô biến hình trên núi cao, ám chỉ đến mầu nhiệm Phục Sinh của Người, các bài Phúc Âm cho Chúa Nhật III tới hết Mùa Chay là Chúa Nhật V hoàn toàn không theo Phúc Âm của Thánh Ký Marco mà là của Thánh ký Gioan, những bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan được Giáo Hội cố ý chọn vì trong đó chất chứa mầu nhiệm vượt qua của Người mà Phúc Âm Thánh ký Marco không có.
Ở chu kỳ Năm A theo Thánh ký Mathêu cũng thế, Giáo Hội cũng chọn 3 bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan cho Chúa Nhật III, IV và V Mùa Chay, còn chu kỳ Năm C theo Phúc Âm Thánh ký Luca, Giáo Hội chỉ chọn 1 bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan cho Chúa Nhật V Mùa Chay mà thôi. Tuy nhiên, trong ngày thường, nghĩa là không phải Chúa Nhật, mà là ngày trong tuần, Phúc Âm theo Thánh ký Gioan được Giáo Hội chọn đọc liên tục suốt tuần Thứ IV và tuần Thứ V Mùa Chay, những bài Phúc Âm cho thấy Chúa Kitô tự chứng về Người, nhưng các tự chứng của Người ấy lại khiến cho chung dân chúng và thành phần trí thức cùng lãnh đạo của dân không thể nào chấp nhận được, đến độ họ đã tìm cách giết Người là tên phạm thượng lộng ngôn, và chính tới lúc này Giáo Hội bắt đầu tiến vào Tuần Thánh cũng là Tuần Thương Khó với Tam Nhật Vượt Qua cuối tuần.
Thật vậy, Bài Phúc Âm theo Thánh ký Gioan được Giáo Hội chọn đọc cho Chúa Nhật III Mùa Chay chu kỳ Năm B hôm nay về sự kiện Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ, ở chỗ: "Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: 'Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán'".
Sở dĩ ở trong Bài Phúc Âm chỉ liệt kê 2 thành phần chính là: "những người đổi bạc" và "những người bán chim câu" là vì họ bán những gì dân Chúa cần để cúng vào đền thờ (tiền bạc) hay để dâng cho Thiên Chúa theo Luật Moisen sau khi sinh con trai đầu lòng 40 ngày (chim câu). Tuy nhiên, dù họ có mục đích tốt và được phép của giáo quyền bấy giờ chăng nữa, tự việc làm của họ là thương mại, liên quan đến lợi lộc trần gian, nhất là lại buôn bán ngay trong Đền Thờ chứ không phải ở khu vực ngoài Đền Thờ, một việc tục hóa nơi thánh của Thiên Chúa, Đấng ngự ở đó.
Cho dù việc buôn bán không xẩy ra ở nơi thánh (holy) hay nơi cực thánh (holy of holies) của Đền Thờ, mà chỉ ở phần viền (outer room) của Đền Thờ nhưng vẫn ở bên trong Đền Thờ, vẫn thuộc về Đền Thờ, nên vẫn là việc tục hóa Đền Thờ. Nếu Đền Thờ của Do Thái Giáo, theo hướng dẫn của Thiên Chúa, được chia làm 3 phần như thế, phần viền, phần thánh và phần cực thánh, thì mỗi Kitô hữu nói chung đều là Đền Thờ của Thiên Chúa, nơi Thánh Linh ngự (xem 1Corinto 3:16), và riêng thân xác của họ cũng chính là đền thờ của Thánh Linh (xem 1Corinto 3:19).
Bởi thế, cho dù tục hóa thân xác, một trong ba phần làm nên đền thờ Thiên Chúa, như phần viền (outer room) cùng với phần thánh (holy) là hồn thiêng của con người và phần cực thánh (holy of holies) là lương tâm nơi con người, cũng là tục hóa đền thờ Thiên Chúa. Thế giới càng văn minh và nhân bản ngày nay con người càng tục hóa thân xác của mình bằng tất cả những gì có thể giúp họ sống duy nhục dục. Thậm chí con người còn tục hóa cả linh hồn của mình như là nơi thánh của đền thờ Thiên Chúa nơi con người, bằng chủ trương tương đối hóa tất cả lề luật của Thiên Chúa, và tục hóa lương tri của mình là nơi cực thánh của đền thờ Thiên Chúa nơi con người nữa, bằng việc nhân danh Thiên Chúa để khủng bố. Trong đời sống đạo, Kitô hữu Công giáo còn có thể tục hóa những gì là thánh hảo như mắc tội trọng mà cứ lên rước lễ, hay rước lễ để được khen là đạo đức, sợ mất mặt nếu không rước lễ, hoặc nhân danh Chúa mà thề gian hay kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ....
Thế nhưng, việc thẳng tay thanh tẩy đền thờ của Chúa Giêsu chưa từng có như thế đã bị người Do Thái chất vấn về thẩm quyền của Người: "Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy", và để trả lời, Chúa Giêsu cho họ biết về một dấu lạ cả thể liên quan đến thẩm quyền của Người như sau: "Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi, nội trong 3 ngày Ta sẽ dựng lại".
Ở đây chúng ta nên lưu ý là người Do Thái xin Chúa Giêsu một "dấu" (sign), dấu lạ hay dấu chỉ, chứ không phải là "phép lạ" (micracle), và Phúc Âm Thánh ký Gioan thường dùng từ ngữ dấu lạ thay vì phép lạ cho dù Chúa Giêsu thực sự làm phép lạ, như phép lạ Người hóa nước lã thành rượu ở tiệc cưới Cana (xem Gioan 2:11), hay khi Người chữa lành cho đứa con trai của viên sĩ quan cũng ở Cana (xem Gioan 4:54). Dấu chỉ hay dấu lạ đây chính là ý nghĩa ám chỉ việc Chúa Kitô làm nói chung và phép lạ Người làm nói riêng.
Đó là lý do, sau khi Chúa Giêsu trả lời cho yêu cầu của dân Do Thái xin Người một dấu chỉ nào cho thấy Người có quyền thanh tẩy đền thờ như vậy, thì Thánh ký Gioan đã chú giải ý nghĩa về câu tuyên bố này của Chúa Giêsu như sau: "Người cố ý nói đến đền thờ là thân thể Người". Tức là Chúa Giêsu tiên báo cho dân Do Thái biết rằng cái dấu chỉ mà họ xin Người làm để chứng tỏ thẩm quyền thanh tẩy đền thờ của Người đó là Người sẽ bị họ sát hại trong cuộc khổ nạn và tử giá của Người nhưng sau ba ngày Người sẽ sống lại từ trong kẻ chết, một "dấu" cho thấy Người là Con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai, bất tử, hằng sống, cứu độ, chiến thắng tội lỗi và sự chết của con người, nơi con người và cho con người, bao gồm cả dân Do Thái của Người.
Vấn đề đặt ra ở đây là mối liên hệ giữa bài Phúc Âm và hai bài đọc còn lại. Ở chỗ, nếu Phúc Âm trình thuật về biến cố Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ và lời tiên báo về cuộc vượt qua của Người, thì nội dung của bài phúc âm có liên hệ gì tới bài đọc 1 về 10 giới răn (Xuất Hành 20:1-17), và bài đọc 2 về giá trị tác dụng của thập giá Chúa Kitô (1Corinto 1:22-25) hay chăng? Nếu có thì ở chỗ nào?? Có thể nói phần đầu của bài Phúc Âm có liên quan tới bài đọc 1 và phần sau của bài Phúc Âm có liên quan tới bài đọc 2.
Đúng thế, nếu phần nhất của bài Phúc Âm trình thuật về sự kiện Chúa Kitô thanh tẩy đền thờ, mà bài đọc 1 về 10 giới luật của Chúa, tức là về những gì liên quan đến tâm hồn của con người là nơi Chúa ngự như là đền thờ của Ngài, một nơi nếu không tuân giữ lề luật của Chúa, tức theo đường lối của Chúa, chẳng khác gì đã bị biến thành hang trộm cướp hay nơi buôn bán, cần được thanh tẩy, thì cả hai bài đọc đã ăn khớp với nhau ở chỗ này. Bài Đáp Ca rất thích hợp với Bài Đọc I hôm nay như sau:
1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt.
2) Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt.
3) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thực, công minh hết thảy.
4) Những điều đó đáng chuộng hơn vàng, hơn cả vàng ròng, ngọt hơn mật và hơn cả mật tàng ong.
Và nếu phần thứ hai của bài Phúc Âm nhắc lại lời Chúa Kitô tiên báo về cuộc vượt qua của Người, một cuộc vượt qua từ khổ nạn và tử giá ("phá đền thờ này đi") đến phục sinh ("nội trong 3 ngày Ta sẽ dựng lại") thì ở bài đọc 2 Thánh Phaolô nói về "một Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do Thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo, nhưng đối với những người được gọi thì Người là Đức Kitô, quyền năng của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Chúa Cha" ở nơi cuộc vượt qua của Người. "Vì sự điên rồ của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và điều yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự mạnh mẽ của loài người", mà đó mới là dấu lạ cho người Do Thái, đó mới thực sự “là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta” (Bài Phúc Âm Thứ Sáu tuần này).
Như thế, theo tiến trình Mùa Chay, sau Chúa Nhật I với bài Phúc Âm Chúa Giêsu chay tịnh 40 ngày trong hoang địa, ám chỉ Người sẽ tiêu diệt vương quốc của ma quỉ, và bài Phúc Âm Chúa Nhật II với một Chúa Kitô biến hình trên núi ám chỉ cuộc phục sinh của Người, chiến thắng tội lỗi và sự chết (1Corinto 15:56-57) bằng “sự sống lại và sự sống” (Gioan 11:25), đến bài Phúc Âm Chúa Nhật III Mùa Chay này bắt đầu hướng về cuộc vượt qua của Người.
Nếu tột đỉnh của phụng niên là Tam Nhật Thánh hay Tam Nhật Vượt Qua, liên quan đến chẳng những Mầu Nhiệm Khổ Nạn và Tử Giá của Chúa Kitô mà còn đến Mầu Nhiệm Phục Sinh của Người nữa, vì Mầu Nhiệm Vượt Qua là tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa và về Thiên Chúa, thì tất cả những gì Chúa Kitô nói và làm đều hướng về Mầu Nhiệm Vượt Qua này.
Chẳng hạn, biến cố Chúa Giêsu chay tịnh 40 đêm ngày trong sa mạc và chịu ma quỉ cám dỗ ở Phúc Âm Chúa Nhật I Mùa Chay là sự kiện báo trước việc Chúa Kitô chiến thắng Satan và bọn ngụy thần bằng cuộc khổ nạn của Người. Hay biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi ở bài Phúc Âm Chúa Nhật 2 Mùa Chay là sự kiện báo trước việc Chúa Kitô sống lại từ trong kẻ chết.
Các phép lạ Chúa Giêsu làm, như chữa lành bệnh nạn tật nguyền và khu trừ ma quỉ, đều là những biểu hiệu ám chỉ việc Người đến thế gian để cứu con người khỏi tội lỗi (quỉ ám) và sự chết (bệnh tật), cứu con người cả về thân xác (bệnh tật) lẫn linh hồn (quỉ ám), bằng cuộc vượt qua của Người.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, lần đầu tiên Người nói đến Mầu Nhiệm Vượt Qua này, khi Người thách thức con người cứ phá đền thờ là thân thể của Người (khổ nạn và tử giá) nhưng Người sẽ dựng lại nó trong vòng 3 ngày (sống lại). Nghĩa là con người dù có gây ra sự dữ, có cố tình phạm đến Ngài chăng nữa thì Thiên Chúa vẫn có thể hoàn thành dự án thần linh vô cùng sâu nhiệm và toàn năng của Ngài trong việc yêu thương cứu độ họ và cho họ được hiệp thông thần linh với Ngài mà hoan hưởng sự sống toàn hảo viên mãn của Ngài và với Ngài, đúng như mục đích và chủ đích Ngài đã tạo dựng nên họ ngay từ ban đầu.
Ba vấn đề có thể được đặt ra ở đây là:
1- Tại sao Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật III Mùa Chay Năm B lại đọc Phúc Âm Thánh Gioan mà không đọc Phúc Âm Thánh Marcô?
2- Bài Phúc Âm Thánh Gioan được Giáo Hội chọn đọc cho Chúa Nhật III Mùa Chay Năm B này có ý nghĩa gì với Mùa Chay??
3- "Nhiều kẻ tin danh Người... Nhưng chính Chúa Giêsu không tin tưởng họ", như cuối bài Phúc Âm cho thấy - tại sao???
Xin được chia sẻ như sau:
1- Tại sao Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật III Mùa Chay Năm B lại đọc Phúc Âm Thánh Gioan mà không đọc Phúc ÂmThánh Marcô?
Trong Phúc Âm Thánh Gioan không có 3 lần, như trong bộ 3 Phúc Âm Nhất Lãm, Chúa Giêsu tỏ tường cho các tông đồ biết cái thâm cung bí sử về Người, liên quan đến cuộc vượt qua của Người từ khổ nạn và thập giá tới phục sinh và vinh quang. Tuy nhiên, một cách gián tiếp, Người cũng tỏ ra 3 lần cuộc vượt qua của Người, không phải chỉ cho các tông đồ, mà cho chung dân chúng, bao gồm cả các tông đồ:
Lần thứ nhất: đó là lần Người thách thức thẩm quyền Do Thái giáo, như trong bài Phúc Âm hôm nay cho thấy, phá đền thờ thân thể của Người nhưng đền thờ thân thể Người sẽ được tái thiết trong vòng 3 ngày khi Người sống lại: "Quí vị cứ phá đền thờ này đi, nội ba ngày Tôi sẽ dựng lại" (Gioan 2:19);
Lần thứ hai: đó là lần Người "trở lại đền thờ" và sau khi Người giải quyết vấn đề ở đó về một người phụ nữ phạm tội ngoại tình bị bắt quả tang đáng bị ném đá chết, Người đã nói với dân Do Thái rằng: "Khi nào Tôi bị treo lên cao, Tôi sẽ kéo mọi sự lên cùng Tôi" (Gioan 8:28): Khổ Giá - "Tôi bị treo lên cao", Phục Sinh - "Tôi sẽ kéo mọi sự lên cùng Tôi";
Lần thứ ba: đó là lần Người đã vinh quang vào Thành Thánh Giêrusalem, sau đó có một số người Hy Lạp ngỏ ý muốn gặp Người qua hai môn đệ của Người, và sau khi "có tiếng từ trời vọng xuống" mà dân Do Thái tưởng "là tiếng sấm" hay "tiếng một thiên thần", Người đã tuyên bố: "Khi nào quí vị treo Con Người lên khỏi mặt đất, quí vị sẽ biết Là Tôi" (Gioan 12:32): Khổ Giá - "quí vị treo Con Người lên", Phục Sinh - "quí vị sẽ biết Là Tôi" ("Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi" lời tuyên xưng của tông đồ Toma trước Đấng Phục Sinh - Gioan 20:28). Cũng trong đoạn 12 này của Phúc Âm Thánh Gioan, Người con tuyên bố một câu về bản thân Vượt Qua của Người như sau: "Hạt lúa miến gieo xuống đất ... có mục nát đi (khổ nạn và tử giá) mới sinh nhiều hoa trái (Phục sinh và Thánh Linh)." (12:24)
Như thế, bài Phúc Âm cho Chúa Nhật III Năm B hôm nay cho thấy Chúa Giêsu lần đầu tiên cho dân Do Thái biết về thâm cung bí sử liên quan đến biến cố Vượt Qua của Người, từ khổ nạn và tử giá đến phục sinh và vinh quang, theo sứ vụ Thiên Sai Cứu Thế của Người. Ngoài ra, bài Phúc Âm này còn cho thấy yếu tố chính yếu bất khả thiếu để được cứu độ đó là đức tin tuân phục nơi thành phần được Người tỏ mình ra cho.
2- Bài Phúc Âm Thánh Gioan được Giáo Hội chọn đọc cho Chúa Nhật III Mùa Chay Năm B này có ý nghĩa gì với Mùa Chay??
Mùa Chay là thời khoảng 40 ngày, hơn 6 tuần lễ, từ Thứ Tư Lễ Tro đến Chúa Nhật Lễ Lá, ngày cuối cùng và là tột đỉnh của Mùa Chay, và đồng thời cũng là ngày đầu tiên mở màn cho Tuần Thánh. Mùa Chay hướng về Lễ Phục Sinh, bao gồm việc chay tịnh chính yếu, được bắt đầu từ thời các thánh Tông Đồ, thế nhưng mãi cho tới Công Đồng Chung đầu tiên ở Nicea năm 325 mới được chính thức hóa. Mùa Chay, theo truyền thống ban đầu, được giành riêng cho 2 thành phần: thành phần dự tòng Kitô giáo dọn mình để được tái sinh bởi Phép Rửa vào Lễ Phục Sinh, và thành phần hối nhân Kitô giáo đã bị tuyệt thông muốn trở về, bằng lòng thống hối qua những hành động đền tội cụ thể, như mặc áo nhặm và xức tro trên đầu. Hình thức thống hối công khai này đã không còn nữa vào thế kỷ thứ 9, nhưng việc xức tro vẫn tồn tại cho tới ngày nay để nhắc nhở thân phận con người thụ tạo tội nhân đáng chết và thực sự đã chết cả về phần hồn lẫn phần xác theo nguyên tội, cần được cứu độ bằng lòng thống hối bề trong và chay tịnh khổ chế bề ngoài.
Căn cứ theo truyền thống Mùa Chay ấy, theo tinh thần của thời khoảng trước Tuần Thánh cùng hướng về Tuần Thánh và nhắm đến Lễ Phục Sinh này của mình, thì Mùa Chay là thời khoảng vượt qua từ sự chết mà vào sự sống, bằng lòng tin tưởng của những tâm hồn dự tòng Kitô giáo và chính Kitô hữu, vào Chúa Kitô Thiên Sai Cứu Thế, đúng như lời Người đã khẳng định: "Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống" (Gioan 5:24). Và đó là lý do chúng ta thấy Mùa Chay bao gồm 2 yếu tố bất khả thiếu, đúng như nội dung của sứ điệp thiên sai của Chúa Kitô: "Hãy ăn năn hoán cải và tin vào Phúc Âm" (Marco 1:15).
Thực tế cho thấy cấu trúc của Mùa Chay được dựa theo khuôn mẫu của chu kỳ phụng vụ Năm A, bao gồm 2 phần: phần đầu, từ Thứ Tư Lễ Tro đến hết Thứ Bảy Tuần II Mùa Chay, liên quan đến lòng "ăn năn hoán cải" của con người, bao gồm các bài Phúc Âm ngày thường trong tuần giống nhau mang ý nghĩa "ăn năn hoán cải" ấy; và phần sau, từ Chúa Nhật III Mùa Chay đến Chúa Nhật Lễ Lá, liên quan đến ơn tái sinh của Thiên Chúa, bao gồm các bài Phúc Âm Chúa Nhật III, IV và V theo Phúc Âm Thánh Gioan, không còn theo Thánh Mathêu Năm A hay Thánh Marcô Năm B. Ba bài Phúc Âm cho Chúa Nhật III, IV và V theo Thánh Gioan, được Giáo Hội có ý chọn đọc cho thành phần dự tòng, có thể áp dụng cho cả chu kỳ phụng vụ Năm B và C, nếu nơi nào có dự tòng dọn mình lãnh nhận Phép Rửa trong Đêm Lễ Vọng Phục Sinh.
Nội dung của 3 bài Phúc Âm Thánh Gioan cho Chúa Nhật III, IV và V Mùa Chay Năm A, có thể áp dụng cho cả Năm B và C: Chúa Nhật III Mùa Chay Phúc Âm về Nước Vọt Lên Sự Sống Đời Đời cho những ai tin vào Chúa Kitô, như người phụ nữ Samaria ở Giếng Giacóp bất ngờ gặp Chúa Kitô và sau cùng thì nhận ra Người (xem Gioan 4:14,29); Chúa Nhật IV Mùa Chay Phúc Âm về Ánh Sáng Chân Thật làm cho người mù từ lúc mới sinh đã có thể chẳng những thấy được ánh sáng tự nhiên mà còn nhận ra chính Chúa Kitô là Ánh Sáng Sự Sống (xem Gioan 9:7,38), và Chúa Nhật V Mùa Chay Phúc Âm về Sự Sống Tái Sinh qua phép lạ Chúa Kitô hồi sinh Lazarô đã chết 4 ngày đến xông mùi (xem Gioan 11:43-44).
Tuy bài Phúc Âm của Thánh Gioan cho Chúa Nhật III Mùa Chay Năm B không phải là một trong 3 bài Phúc Âm tiêu biểu như Năm A, nhưng cũng bao gồm 2 yếu tố cứu độ bất khả thiếu, đó là mạc khải thần linh từ Thiên Chúa và đức tin tuân phục nơi con người. Ở bài Phúc Âm thánh Gioan cho Chúa Nhật III Mùa Chay Năm B này bao gồm chẳng những yếu tố mạc khải thần linh ở lời Chúa Giêsu nói về cuộc vượt qua của Người, mà còn cả yếu tố đức tin tuân phục nữa nơi những ai muốn được cứu độ, không như dân Do Thái tin Người trong bài Phúc Âm hôm nay, một đức tin không được Người chấp nhận, như những chi tiết chia sẻ cho vấn nạn thứ 3 dưới đây:
3- "Nhiều kẻ tin danh Người... Nhưng chính Chúa Giêsu không tin tưởng họ", như cuối bài Phúc Âm cho thấy - tại sao???
Trong hai yếu tố bất khả thiếu và bất khả phân ly trong Mùa Chay và làm nên Mùa Chay này, thì việc ăn năn thống hối nơi con người và của con người chỉ là đường lối, là phương tiện, như tính cách thống hối nơi phép rửa của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, để dọn đường đón Chúa Kitô thôi, Đấng ban ơn cứu độ đến cho họ, thành phần nhận biết Người và chấp nhận Người, nghĩa là tin vào Người. Bởi thế, "nhiều kẻ tin danh Người.... Nhưng chính Chúa Giêsu không tin tưởng họ", như cuối bài Phúc Âm cho thấy, là "vì họ đã mục kích thấy những phép lạ Người làm" thôi, tức họ chỉ tin vào phép lạ Người làm, khi Người tỏ ra uy quyền, hơn là tin vào chính bản thân của Người, khi Người tỏ ra bất lực, chỉ biết làm theo ý Cha là Đấng đã sai Người, đến độ cuối cùng Người đã trở nên trò hề cho thiên hạ nhạo cười:
"Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: 'Mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!'Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói:'Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Ít-ra-en! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền!Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: 'Ta là Con Thiên Chúa!'Cả những tên cướp cùng bị đóng đinh với Người cũng sỉ vả Người như thế". (Mathêu 27:39-44).
Lạy Đấng "đầy ơn phúc" (Luca 1:28), Mẹ chẳng những "đầy ơn phúc" vì "Chúa ở cùng Mẹ" ngay từ giây phút Mẹ được hoài thai trong lòng thai mẫu, mà còn nhờ Mẹ ở cùng Chúa, bằng đức tin diễm phúc của Mẹ (xem Luca 1:45). Xin Mẹ cho Kitô hữu chúng con biết sống đức tin tuân phục như Mẹ và với Mẹ, để chúng con chẳng những xứng đáng là môn đệ của Đấng Vượt Qua, mà còn có thể trở thành chứng nhân trung thực và sống động của Người trong một thế giới con người càng văn minh và nhân bản thì lại càng trở nên vô thần và duy vật. Amen.